THUỐC GÂY KÉO DÀI KHOẢNG QT
Tổ Dược lâm sàng - Thông tin thuốc
Hội chứng kéo dài khoảng QT (LQTS) xảy ra khi kênh ion và protein chịu trách nhiệm tái cực thất không hoạt động bình thường. Một khoảng QTc dài là khi > 470ms ở người nam sau dậy thì và > 480ms ở người nữ sau dậy thì. LQTS có thể được di truyền hoặc mắc phải, thường là một tác động phụ của thuốc. Bệnh nhân có LQTS có nguy cơ loạn nhịp được biết như là xoắn đỉnh, hậu quả có thể gây ra ngưng tim. Tuy nhiên xoắn đỉnh hiếm gặp. Điều này thường xảy ra ở bệnh nhân nhập viện bởi vì nhóm đối tượng này có xu hướng có nhiều yếu tố nguy cơ hơn, bao gồm tuổi cao, nữ giới (nguy cơ gấp đôi), bệnh tim, hội chứng kéo dài khoảng QT, QTc > 500ms (nguy cơ gấp 2 – 3 lần), suy gan hoặc suy thận, hạ kali máu, hạ magnesi máu, hạ calci máu, sử dụng thuốc lợi tiểu, nhịp tim chậm, sử dụng hơn một thuốc kéo dài QT và truyền tĩnh mạch nhanh với những loại thuốc nhất định. FDA và Tổ chức y tế Canada đã xuất bản hướng dẫn trong việc đánh giá ảnh hưởng lên khoảng QT cuả một thuốc. thuốc gây kéo dài khoảng QT từ 10ms trở lên cho thấy sự tiềm tàng nguy cơ kéo dài QT có ý nghĩa lâm sàng.
Một số thuốc có thể gây kéo dài khoảng QT hoặc có nguy cơ xoắn đỉnh được liệt kê trong bảng sau:
Những thuốc có thể gây kéo dài khoảng QT/nguy cơ xoắn đỉnh tại bệnh viện
Nhóm thuốc | Hoạt chất |
Thuốc gây mê | Sevoflurane , Propofol |
Thuốc chống loạn nhịp | Amiodaron |
Thuốc kháng ung thư | Capecitabine(a), Oxaliplatin, Bortezomib(a) |
Thuốc chống trầm cảm | Amitriptyline, Mirtazapine(a) |
Thuốc chống nôn/buồn nôn | Metoclopramide, Ondansetron |
Thuốc kháng histamin | Diphenhydramine |
Thuốc kháng sinh(c) | Azithromycin, Erythromycin, Clarithromycin, Ciprofloxacin, Levofloxacin, Moxifloxacin, Ofloxacin(a), Ketoconazole, Fluconazole, Itraconazole, Metronidazole, Amphotericin B, Trimethoprim – Sulfamethoxazole, |
Thuốc chống loạn thần(b) | Chlorpromazine, Clozapine(a), Haloperidol, Olanzapine(a), Risperidol(a) |
Thuốc giãn phế quản | Salbutamol, Salmeterol |
Thuốc tác động trên tim mạch | Dopamin, Dobutamine, Ephedrine, Nicardipin(a), Epinephrine, Ivabradine, Norepinephrine, Phenylephrine |
Thuốc lợi tiểu | Furosemide, Indapamide, Hydrochlorothiazide |
Thuốc tác động trên đường tiêu hóa |
Domperidole, Loperamide, Famotidine(a), Pantoprazole |
Các thuốc khác | Galantamine, Oxytocin(a), Octreotide(a), |
Chú thích:
(a) Thuốc có thể gây kéo dài QT, nhưng không có hoặc ít liên quan đến xoắn đỉnh khi dùng trực tiếp. Nhãn sản phẩm có thể cảnh báo sử dụng ở bệnh nhân có yếu tố nguy cơ xoắn đỉnh, chẳng hạn LQTS, hạ kali máu hoặc sử dụng đồng thời các thuốc kéo dài QT.
(b) Olanzapine, lurasidone, aripiprazole có thể gây nguy cơ xoắn đỉnh tương đối thấp so với các thuốc chống loạn thần khác dựa trên nhãn thuốc và đánh giá tài liệu. Risperidone có thể gây nguy cơ trung bình so với các thuốc chống loạn thần không điển hình có nguy cơ cao hơn.
(c) Nguy cơ với azithromycin ít hơn so với clarithromycin hoặc erythromycin. Moxifloxacin có thể gây nguy cơ cao hơn levofloxacin hoặc ciprofloxacin. Beta-lactam dường như không có nguy cơ dựa trên đánh giá y văn.