Vào cuối hè đầu thu là mùa ong phát triển với số lượng lớn. Trong những tháng cuối hè và đầu thu khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Trung ươngThái Nguyên đã tiếp nhận cấp cứu và điều trị khoảng trên 50 bệnh nhân bị ong đốt do đủ các loại ong với nhiều tình huống khác nhau. Có người chỉ bị một con đốt, nhưng có người bị đến gần 100 con ong đốt. Đa số là bị đốt do vô tình khi đụng chạm vào tổ ong trong những lúc chặt cây, phát quang bụi rậm…tuy nhiên cũng có trường hợp bị đốt do bất cẩn khi chủ động bắt tổ ong lấy nhộng, mật.

        Ong đốt có thể gây 2 tình trạng nguy kịch đe dọa tính mạng đó là:

      1. Sốc phản vệ: khó thở, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt, đái ỉa không tự chủ, rối loạn ý thức, trên da toàn thân có mẩn đỏ mề đay…  do nọc ong khi xâm nhập vào cơ thể khi bị đốt như một dị nguyên gây ra phản ứng miễn dịch kháng nguyên - kháng thể gây tình trạng quá mẫn-sốc phản vệ. Do vậy sốc phản vệ do ong đốt không phụ thuộc vào số lượng ong đốt, có khi chỉ cần 1 con ong đốt cũng có thể gây sốc phản vệ và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

      2. Tiêu cơ vân cấp: là tình trạng hoại tử tế bào cơ vân do bị ong đốt gây nhiễm độc toàn thân, suy thận cấp, suy gan cấp và cuối cùng dẫn đến suy đa tạng. Trường hợp này do bị quá nhiều ong đốt (có thể đến hàng trăm con) hoặc bị đốt với số lượng ít hơn nhưng do chủ quan hoặc thiếu hiểu biết mà không đi đến những cơ sở y tế khám chữa bệnh đến khi xuất hiện những triệu chứng của suy thận cấp (tiểu ít, vô niệu, nước tiểu đỏ), suy đa tạng mới đến viện thì đã muộn bởi vì khi suy trên 2 tạng thì tỷ lệ tử vong cao.

        Trong số trên 50 bệnh nhân nhập viện vì ong đốt vào điều trị tại khoa Cấp cứu thì có khoảng 2/3 trường hợp đến viện trong tình trạng dị ứng từ mức độ nhẹ là nổi mẩn đỏ, mề đay, ngứa…đến sốc phản vệ. Những bệnh nhân này đều được xử trí theo phác đồ chống dị ứng và phác đồ xử trí sốc phản vệ do Bộ Y tế ban hành và không có trường hợp nào tử vong. Khoảng 1/3 trường hợp không có biểu hiện dị ứng, nhưng có sưng nề, hoại tử tại những vị trí vết đốt, nước tiểu ít và đỏ, men CK tăng cao trên 1000 U/L, có khi đến trên 10 000U/L nhưng chưa có suy thận hoặc suy thận nhẹ và chưa có suy đa tạng. Những bệnh nhân này được truyền dịch và bài niệu cưỡng bức nhằm đảm bảo lượng nước tiểu 200ml/h, sau 4-7 ngày điều trị tại khoa Cấp cứu tình trạng bệnh nhân ổn định và được xuất viện.

          Có 2 trường hợp nhập viện với tình trạng nặng do bị ong đốt số lượng nhiều, biểu hiện tình trạng hoại tử nhiều nơi trên cơ thể, thiểu niệu, vô niệu, men CK tăng rất cao đến gần 50 000 U/l,  men gan cao 4000-5000 U/l. Những bệnh nhân này sau khi được cấp cứu ban đầu tại khoa Cấp cứu ổn định đã được chuyển vào khoa Hồi sức tích cực - Chống độc điều trị lọc máu liên tục.

MỘT VÀI KHUYẾN CÁO

     1. Mùa ong phát triển sinh sôi nảy nở vào tháng 7, 8, 9 hàng năm. Mọi người cần chú ý khi chặt cây, phát quang bụi rậm, hái quả, trèo cột điện… phải chú ý quan sát kỹ phát hiện tổ ong để phòng tránh ong đốt gây hậu quả nghiêm trọng. Phải có trang bị phòng hộ như quần áo dày, mũ, ủng găng tay khi chặt cây, phát quang bụi rậm.

      2. Khi bị ong đốt phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất khám ngay, không chủ quan đến khi xuất hiện triệu chứng của suy đa tạng mới đến viện thì đã muộn.

      3. Khi bị ong đốt có những dấu hiệu bất thường, biểu hiện của tình trạng nguy kịch như sốc phản vệ (khó chịu buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, phù mặt, môi, mi mắt..) hoặc đái ít, nước tiểu đỏ, vô niệu (suy thận cấp, suy đa tạng) do quá nhiều ong đốt thì không được mất thời gian vào những biện pháp xử trí theo dân gian mà ít hoặc không có tác dụng như bôi vôi, đắp lá vào vết thương, uống thuốc nam…mà phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để sơ cứu tạm thời ổn định và chuyển đến bệnh viện tuyến Trung ương ngay - nơi có đầy đủ các trang thiết bị cấp cứu hiện đại, điều trị hiệu quả và phòng ngừa được nguy cơ suy thận cấp, suy đa phủ tạng xảy ra.