Nếu bạn bị đau thắt lưng, bạn không phải là người duy nhất bị như vậy, khoảng 80% người lớn đều đã từng bị đau thắt lưng một vài lần trong đời. Đau thắt lưng thường có liên quan đến các động tác và nghề nghiệp. Tỷ lệ đau thắt lưng ở nam và nữ là như nhau. Đau có thể bát đầu đột ngột sau một vận động nặng, tình trạng đau ngày càng tăng theo tuổi của bạn.
Hầu hết đau thắt lưng cấp tính có thể tự khỏi sau vài ngày hoặc vài tuần. Đau thắt lưng bán cấp thường kéo dài 4 đến 12 tuần trong khi đó đau lưng mạn tính thường kéo dài lâu hơn. Nhiều trường hợp đau thắt lưng có thể tự khỏi nhưng cũng có những trường hợp đau lưng còn dai dẳng kể cả sau khi điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật.
Cột sống thắt lưng bao gồm 5 đốt sống thắt lưng được đánh dấu từ L1-L5. Các đốt sống này nâng đỡ phần lớn trọng lượng cơ thể. Các đốt sống được được tiếp khớp với nhau bởi các đĩa đệm, một cáu trúc hình đĩa đàn hồi với vai trò giảm xóc khi cơ thể vận động. Các đốt sống được các dây chằng, gân và cơ giữ tạo thành cột sống, giữa các đốt sống có các rễ thần kinh thoát ra điều khiển hoạt động của cơ thể.
* Nguyên nhân đau thắt lưng: Hầu hết đau thắt lưng là do các hoạt động tự nhiên nhưng một số trường hợp đau thắt lưng có liên quan đến thoái hóa, giãn hay rách các dây chằng, thoát vị đĩa đệm, rách đĩa đệm, chèn ép các rễ thần kinh. Đau thắt lưng cũng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác như viêm cột sống (lao cột sống hay viêm đĩa đệm do vi khuẩn), các khối u, hội chứng đuôi ngựa, phình động mạch chủ bụng, sỏi tiết niệu, viêm khớp, loãng xương hay đau cơ lưng.
* Các yếu tố nguy cơ trong đau thắt lưng:
Ngoài các bệnh có sẵn trong cơ thể các yếu tố có thể tạo điều kiện cho đau thắt lưng bao gồm:
Tuổi cao: khi tuổi cao, xương bị loãng và yếu có thể gây gãy xương kín đáo. Độ đàn hồi của cơ và dây chằng giảm. Các đĩa đệm bị khô và giảm đàn hồi làm tăng dồn nén lên các đốt sống. Hẹp ống sống cũng tăng dần theo tuổi.
Yếu tố nghề nghiệp: một số nghề nghiệp có nguy cơ đau thắt lưng cao như các vận động viên cử tạ, mang vác nặng, nhân viên văn phòng, lái xe, vận hành các máy móc công nghiệp, ngồi nhiều mà không có dựa lưng.
* Chẩn đoán nguyên nhân đau thắt lưng:
Tiền sử đau thắt lưng và khám cột sống có thể đưa ra các định hướng về nguyên nhân đau thắt lưng. Chẩn đoán hình ảnh có vai trò quan trọng trong chẩn đoán nguyên nhân cũng như tình trạng tổn thương của các đốt sống, dây chằng, khớp liên đốt sống và đĩa đệm cột sống.
X-Quang là kỹ thuật đầu tiên áp dụng nhằm đánh giá tình trạng gãy xương, xẹp đốt sống, các tổn thương ác tính.
Chụp cắt lớp vi tính (CT) được dùng để đánh giá các cấu trúc xương cột sống mà trên phim X-Quang không thấy được như thoát vị đĩa đệm, hẹp ống sống, các khối u. Chụp cắt lớp có thể tái tạo không gian 3 chiều để đánh giá trục của cột sống.
Tạo ảnh bằng cộng hưởng từ (MRI): là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không sử dụng tia X có thể giúp phát hiện các tổn thương ở đốt sống, dây chằng, cơ, gân, mạch máu. MRI còn giúp chẩn đoán các khối u, viêm, thoát vị đĩa đệm hay các khớp đốt sống.
* Điều trị đau vùng thắt lưng:
Điều trị đau vùng thắt lưng phụ thuộc vào vị trí và nguyên nhân đau cũng như cơ chế đau thắt lưng. Nói chung, phẫu thuật chỉ được đặt ra khi các phương pháp điều trị bảo tồn thất bại. Các phương pháp điều trị bảo tổn bao gồm:
Chườm nóng hoặc mát có thể giúp giảm đau, giảm viêm, có tác dụng đối với đau lưng cấp, bán cấp và mạn tính và cần được phối hợp với các phương pháp khâc.
Vận động: Sau đợt cấp bạn cần vận động trở lại càng sớm càng tốt và tránh các vận động có thể làm đau tăng.
Thể thao: Ngoài các hoạt động thường nhật, bệnh nhân đau thắt lưng cần được tập luyện để tăng độ săn chắc của cơ bắp, Vật lý liệu pháp có thể giúp làm tăng độ đàn hồi của cơ
Điều trị bằng thuốc:
Thuốc giảm đau chống viêm không chứa Steroid, thuốc chống co cơ, thuốc chống trầm cảm có tác dụng giảm đau tại chỗ đồng thời giảm đau do co cơ. Điều trị thuốc cần được hướng dẫn chi tiết bởi thầy thuốc chuyên khoa Thần kinh học.
Châm cứu hay các kỹ thuật điều trị bằng y học cổ truyền cũng có thể giúp điều trị hiệu quả trong một số trường hợp đau thắt lưng mạn tính.
Phong bế rễ thần kinh, tiêm ngoài màng cứng: Dưới hướng dẫn của chụp cắt lớp vi tính hoặc màn hình X-Quang tăng sáng các thầy thuốc có thể tiêm hốn hợp thuốc chống viêm và thuốc giảm đau vào rễ thần kinh bị tổn thương và vùng nhiều cảm thụ quan đau với mục đích giảm đau, giảm viêm.
Điều trị can thiệp: Các kỹ thuật can thiệp không mổ có thể giúp điều trị triệu chứng và nguyên nhân đau thắt lưng như đốt giảm áp đĩa đệm bằng sóng cao tần trong thoát vị đĩa đệm và rách bao xơ đĩa đệm. Đổ xi măng đốt sống trong điều trị đau thắt lưng do xẹp đốt sống do loãng xương, ung thư di căn đôt sống hay u máu thân đốt sống.
Khi các phương pháp điều trị bảo tồn không có hiệu quả, tình trạng chèn ép ống sống và rễ thần kinh nặng nề thì phẫu thuật là lựa chọn hợp lý. Các phẫu thuật viên có thể cắt cung sau đốt sống đề điều trị hẹp ống sống. Thay đĩa đệm hay bóc tách đĩa đệm trong điều trị thoát vị đĩa đệm nặng, nẹp vít cột sống trong điều trị trượt đốt sống hoặc thoát vị đĩa đệm.
* Phòng bệnh đau thắt lưng
Để phòng bệnh đau thắt lưng tái phát bạn nên vận động nhẹ nhàng và đúng tư thế, hạn chế nâng vật nặng, hạn chế các hoạt động làm rung cột sống, các hoạt động lặp đi lặp lại. Có thể sử dụng đai thắt lưng nhằm hỗ trợ cột sống trong việc nâng đỡ trọng lượng cơ thể.
Các hoạt động thể thao rất cần thiết cho dự phòng đau thắt lưng như bơi, đi bộ hay đạp xe đạp khoảng 30 phút mỗi ngày. Tập Yoga giúp tăng độ săn chắc của cơ bắp. Tuy nhiên bạn cần gặp bác sỹ chuyên khoa để nhận được tư vấn về môn thể thao phù hợp nhất đối với bạn.
Một số lời khuyên bổ ích để phòng bệnh đau thắt lưng:
Luôn luôn khởi động tốt trước mỗi hoạt động.
Không đứng hoặc ngồi quá lâu.
Làm việc ở độ cao phù hợp tránh cúi hoặc với.
Ngồi ghế có dựa lưng và vai, thay đổi tư thế tránh ngồi quá lâu.
Đi giầy đế phẳng và thấp.
Ngủ với tư thế nghiêng co chân trên mặt phẳng cứng có thể giúp mở rộng khe khớp đĩa đệm giảm chèn ép ống sống và rễ thần kinh.
Không cố nâng vật nặng.
Đảm bảo dinh dưỡng và khoáng chất.
Không hút thuốc lá .
Bệnh nhân khi cần tư vấn về chẩn đoán, điều trị và dự phòng đau thắt lưng xin mời liên hệ với khoa Thần kinh- Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên; số điện thoại liên hệ: 02803.857.378, gặp BS Vi Quốc Hoàng hoặc BS Trần Thị Thúy Ngần.