Bệnh ung thư và sức khoẻ cộng đồng là những vấn đề ngày càng được quan tâm ở hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ung thư là một nhóm bệnh gồm trên một trăm loại được coi là một trong tứ chứng nan y đã được loài người nói đến rất sớm, nhưng cho đến nay khoa học vẫn chưa biết một cách đầy đủ về nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh cũng như chưa biết định nghĩa chính xác thế nào là một bệnh ung thư. Tuy nhiên chúng ta có thể hiểu ung thư là bệnh lý ác tính của tế bào. Ung thư nào cũng do sự tăng trưởng quá đà và sự lan tràn của các tế bào không bình thường mà không tuân theo các cơ chế kiểm soát về phát triển của cơ thể.
Ngày nay, cùng với sự phát triển không ngừng của xã hội, số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam đang có xu hướng ngày một gia tăng. Bệnh gặp ở mọi tầng lớp xã hội, mọi lứa tuổi, mọi ngành nghề khác nhau. Theo thông tin được đưa ra tại hội thảo khoa học Ung bướu quốc gia lần thứ VII vào năm 2013, mỗi năm Việt Nam có khoảng 150.000 người mới mắc ung thư và 75.000 người tử vong vì căn bệnh này, tức 205 người/ngày và con số này dự báo sẽ ngày càng tăng cao. Sở dĩ nguyên nhân dẫn đến số người mắc và chết vì ung thư ngày một tăng cao là do một bộ phận không nhỏ người dân còn chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của căn bệnh này. Nhiều người khi phát hiện các triệu chứng khác lạ trên cơ thể đã không kịp thời đến bệnh viện để thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết mà tự chữa bệnh bằng thuốc nam hoặc chữa bằng mẹo dân gian nên nhiều bệnh nhân ung thư khi đến bệnh viện đã ở giai đoạn muộn, rất khó khăn cho công tác điều trị bệnh.
Theo ghi nhận của chúng tôi tại phòng Xét nghiệm Tế bào của Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên thì có rất nhiều bệnh nhân chỉ đến bệnh viện để khám và làm xét nghiệm sau khi đã có một thời gian dài tự điều trị bằng thuốc nam tại nhà mà không khỏi bệnh. Nhiều bệnh nhân tin rằng khi đắp thuốc nam, sau một thời gian khối u sẽ tự teo nhỏ rồi mất đi hoặc khối u sẽ được đẩy ra ngoài dưới tác dụng của những miếng cao lá. Nhưng đa số các bệnh nhân sau khi tự đắp cao lá đã phải đến bệnh viện với những tổn thương tại chỗ rất nặng nề, toàn bộ vùng đắp cao bị sưng đỏ, nóng rát, viêm loét, hoại tử thậm chí là bị nhiễm trùng huyết nên gây rất nhiều khó khăn cho việc chẩn đoán và làm sai lệch kết quả xét nghiệm vì các tế bào u đã bị thoái hóa, hoại tử. Có nhiều bệnh nhân đến bệnh viện với một bên vú sưng to, có chỗ đã bị vỡ, chảy mủ rất đau đớn, và sau khi xét nghiệm tế bào các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân bị ung thư vú. Khi được các bác sĩ giải thích về những nguy cơ khi dùng cao lá thì bệnh nhân đã thấy được sai lầm khi không kịp thời đến bệnh viện, tuy nhiên lúc này bệnh đã ở giai đoạn muộn, việc điều trị gặp rất nhiều khó khăn thậm chí là không mang lại hiệu quả.
Hiện nay, tại khoa Giải phẫu bệnh của Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên chúng tôi trung bình mỗi ngày có từ 30 – 40 lượt bệnh nhân đến làm xét nghiệm, trong số đó có nhiều bệnh nhân đã được các bác sĩ chẩn đoán là ung thư sau khi làm xét nghiệm. Một trong số các xét nghiệm thường quy để chẩn đoán sớm ung thư đang được khoa chúng tôi thực hiện là kỹ thuật xét nghiệm và chẩn đoán tế bào học qua chọc hút tế bào bằng kim nhỏ (FNA) và kỹ thuật PAP – SMEAR dùng để chẩn đoán sớm ung thư cổ tử cung. Để thực hiện hai kỹ thuật này các bác sĩ sẽ dùng một chiếc kim nhỏ chọc trực tiếp vào khối u, hạch hay tổ chức viêm để lấy tế bào rồi nhuộm giêm sa và đọc kết quả hay đối với kỹ thuật PAP – SMEAR thì các bác sĩ dùng que gỗ dẹt để lấy tế bào âm đạo – cổ tử cung và đọc kết quả sau khi đã xử lý nhuộm tiêu bản. Đây là những phương pháp xét nghiệm đơn giản nhất, ít tốn kém, không gây đau đớn cho bệnh nhân, cho kết quả sớm và có độ chính xác cao được rất nhiều bệnh viện trên toàn quốc áp dụng. Tuy nhiên, nhiều người dân còn có quan niệm sai lầm khi cho rằng chọc kim hoặc đụng dao kéo vào thì khối u đang “lành” sẽ “phát” thành “ác” hoặc di căn mà họ thường gọi là “chạy” nên nhiều bệnh nhân đã từ chối làm xét nghiệm để về nhà tự điều trị bằng thuốc nam. Thêm vào đó cũng vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân có quan niệm rất lạc hậu và cổ hủ khi cho rằng khối u của mình bị to lên hay mới chỉ xuất hiện sau khi đi viếng đám ma về. Những tư tưởng lạc hậu như thế không chỉ có trong nhận thức của những người dân sống ở các vùng nông thôn, hay miền núi xa xôi hẻo lánh ít có điều kiện tiếp xúc với các phương tiện truyền thông mà còn là tư tưởng, suy nghĩ của rất nhiều người dân sống tại thành phố thậm chí cả những cán bộ công chức là những người có điều kiện tiếp xúc nhiều hơn với những kiến thức văn minh, hiện đại cũng vẫn còn quan niệm sai lầm như thế nên đã góp phần làm cho tỉ lệ người bệnh chết vì ung thư ngày một tăng cao.
Ở nước ta, ung thư vú và ung thư cổ tử cung là hai loại ung thư thường mắc ở phụ nữ, nhất là phụ nữ trong độ tuổi 40 – 54. May thay, đây là những loại ung thư có thể phòng ngừa được, có thể phát hiện sớm và có thể điều trị tốt. Theo lời khuyên của các bác sĩ chuyên ngành Ung thư thì mỗi phụ nữ từ 30 tuổi trở đi , đã lập gia đình nên đến Bệnh viện kiểm tra ít nhất 2 lần trong một năm để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung và ung thư tuyến vú. Tuy nhiên, do vú và cổ tử cung là hai vị trí nhạy cảm trên cơ thể phụ nữ nên tâm lý của rất nhiều chị em là còn e ngại đến bệnh viện khám khi mới chớm phát hiện ra những triệu chứng đầu tiên của bệnh. Vì vậy, trong các năm từ 2006 - 2013 khoa Giải phẫu bệnh của Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên đã cùng với Trung tâm Ung bướu và khoa Sản của bệnh viện phối hợp trong chương trình tầm soát ung thư vú và ung thư cổ tử cung cho phụ nữ thuộc nhóm nguy cơ cao đối với hai loại ung thư này trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trong những chuyến đi tầm soát ung thư tại các xã, phường hàng năm, các cán bộ y tế chúng tôi đã cố gắng lồng ghép công tác truyền thông, tuyên truyền, cho cán bộ y tế cơ sở và người dân trên địa bàn như phát tờ rơi, mở băng đĩa hình, truyền thanh tại chỗ nhằm nâng cao ý thức của người dân về các kiến thức phòng và điều trị đối với căn bệnh ung thư.
Để giảm bớt nguy cơ tử vong do căn bệnh ung thư thì việc tuyên truyền cho cộng đồng hiểu biết các kiến thức khoa học về căn bệnh ung thư bằng nhiều hình thức là điều quan trọng. Mặt khác mỗi người dân ngoài việc cần nâng cao ý thức giữ gìn sức khỏe còn cần phải nâng cao hiểu biết về các phương pháp chẩn đoán xét nghiệm và điều trị ung thư. Khi phát hiện ra những dấu hiệu khác lạ trên cơ thể, chúng ta cần phải đến bệnh viện để được thăm khám và xét nghiệm bởi các bác sĩ có chuyên môn chứ không nên nghe theo lời khuyên của những người không có chuyên môn và nhất là không được tự đắp thuốc nam để chữa bệnh. Khi đã có kết quả xét nghiệm chẩn đoán mắc bệnh ung thư thì người bệnh nên đến bệnh viện điều trị theo đúng phác đồ chứ không nên tự tiện điều trị bằng thuốc nam tránh để tránh tiền mất tật mang. Theo Lương y Thích Tuệ Tâm: “Hiện đông y vẫn chưa có phương pháp chữa lành ung thư mà chỉ kìm hãm sự phát triển của tế bào ung thư, kéo dài thời gian sống cho bệnh nhân. Có một số loại thảo dược có tác dụng bồi bổ thể trạng, tăng cường miễn dịch, hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư, làm tăng chất lượng cuộc sống nhưng không thể khẳng định chữa lành ung thư”. Mỗi người dân cũng nên tin tưởng ở bệnh viện, tin tưởng vào tay nghề của các bác sĩ có chuyên môn chứ không nên tin lời các thày lang vườn, tin vào các phương pháp chữa bệnh chưa được y học kiểm chứng để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và gây thiệt hại về kinh tế. Không phải tất cả các loại ung thư đều không thể chữa khỏi, nếu phát hiện sớm vẫn có thể chữa khỏi hoàn toàn. Xin được dẫn lời GS.BS Nguyễn Chấn Hùng – Chủ tịch hội Ung thư Việt Nam để thay cho lời nhắn nhủ tới những người bệnh không may mắc căn bệnh ung thư: Ung thư biết sớm trị lành. Nếu mà để trễ dễ thành nan y.