Nhằm tăng cường ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong chẩn đoán, điều trị như phát triển nội soi, phẫu thuật tim mạch, ghép bộ phận cơ thể người, ghép tế bào gốc…. Các chuyên khoa hệ nội, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm nay đã có sự phát triển thành các lĩnh vực chuyên môn sâu, triển khai nhiều kỹ thuật đòi hỏi phải vô khuẩn cao. Sự phát triển đó đòi hỏi công tác kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) phải được tăng cường, phát triển tương xứng, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất nhiễm khuẩn bệnh viện, bảo đảm an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế.

Thông tư mới được đánh giá là một bước tiến quan trọng trong việc định hướng KSNK vào những nhiệm vụ trọng tâm, đó là thực hiện giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện, giám sát tuân thủ thực hành KSNK, nhằm giảm nhiễm khuẩn liên quan chăm sóc y tế cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.

Nhận thức được tầm quan trọng và để khắc phục những hạn chế trong KSNK và định hướng phát triển công tác KSNK tại cơ sở, bảo đảm an toàn cho người bệnh và nhân viên y tế. Trong hai ngày 17,18/10/2018, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên tổ chức 2 lớp tập huấn để triển khai Thông tư 16/2018/TT-BYT Quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và Quyết định số 3916/QĐ-BYT về việc phê duyệt các Hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Đến tham dự, phát biểu chỉ đạo lớp tập huấn có PGS.TS. Dương Hồng Thái, Phó Giám đốc Bệnh viện, các giảng viên tham dự gồm: BSCKII. Lê Hùng Vương – Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc; BSCKII. Đặng Hoàng Nga – Trưởng phòng Quản lý chất lượng bệnh viện; CN.Vũ Ngọc Anh – Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn và gần 300 cán bộ viên chức Bệnh viện là học viên của lớp tập huấn.

Với kiến thức, kinh nghiệm làm việc lâu năm tại các khoa đặc thù của Bệnh viện đòi hỏi nghiêm ngặt về quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn như khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn,...Tại buổi tập huấn các giảng viên đã lần lượt chia sẻ, trao đổi với lớp tập huấn để phòng chống nhiễm khuẩn bệnh viện, vệ sinh bàn tay trước và sau mỗi lần tiếp xúc với bệnh nhân, trước khi làm các thủ thuật vô khuẩn, sau khi tiếp xúc với dụng cụ y tế nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, cũng cần phải thực hiện nghiêm ngặt các kỹ thuật vô khuẩn với các dụng cụ phẫu thuật, nội soi… Ngoài ra đối với các bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm hoặc nghi ngờ có nguy cơ lây truyền bệnh, cần được nằm ở phòng cách ly. Bơm, kim tiêm, các loại ống thông, ống hút, đồ dùng cá nhân... dùng riêng cho từng bệnh nhân và quản lý chất thải, rác thải y tế tốt cũng là cách không để mầm bệnh lây lan ra ngoài cộng đồng.

Điểm mới trong Thông tư số 16/2018/TT-BYT ban hành ngày 20/7/2018 quy định về kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thay thế cho Thông tư 18/2009/TT-BYT. Thông tư 16/2018/TT-BYT nêu rõ, các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) có từ 150 giường bệnh trở lên phải có đầy đủ hội đồng, khoa hoặc bộ phận và mạng lưới KSNK; các cơ sở KCB có dưới 150 giường bệnh, tối thiểu phải có bộ phận KSNK thuộc phòng kế hoạch tổng hợp, có mạng lưới KSNK và người phụ trách KSNK làm việc toàn thời gian. Cơ sở KCB không có giường bệnh nội trú, tối thiểu phải phân công một người phụ trách KSNK. Sở Y tế các tỉnh, thành phố có trách nhiệm phân công bộ phận và cán bộ làm đầu mối phụ trách KSNK (cán bộ phụ trách có trình độ đại học trở lên, có chứng chỉ, giấy chứng nhận hoặc văn bằng đào tạo KSNK). Đặc biệt Điều 17 của Thông tư nêu rõ, Hội đồng KSNK do người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định thành lập; Chủ tịch Hội đồng KSNK là Giám đốc. Các cơ sở KCB đẩy mạnh vai trò kiểm tra, giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV), giám sát tuân thủ thực hành KSNK. Trao quyền hạn và trách nhiệm cho bộ phận giám sát chuyên trách trong việc thực hiện giám sát NKBV, giám sát tuân thủ thực hành KSNK của tất cả người hành nghề, sinh viên, học sinh, người bệnh, người nhà người bệnh. Một số nhiệm vụ khác về vệ sinh môi trường (vệ sinh bề mặt, diệt côn trùng…), nhà vệ sinh, phòng chống bệnh dịch cũng đã được bổ sung. Cho phép xã hội hóa công tác vệ sinh bệnh viện, xử lý chất thải, đồ vải và dụng cụ y tế dưới sự kiểm soát chuyên môn của KSNK và tuân thủ các quy định hiện hành.

Bệnh viện đã áp dụng các biện pháp như tập huấn, hướng dẫn, truyền thông phù hợp để nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng về kiểm soát nhiễm khuẩn, tăng cường sự tham gia phối hợp của người bệnh, người nhà người bệnh nhằm nâng cao chất lượng công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại đơn vị....

Dưới đây là một số hình ảnh của buổi tập huấn:

PGS.TS. Dương Hồng Thái – Phó Giám đốc Bệnh viện phát biểu trong buổi tập huấn

 

BSCKII. Lê Hùng Vương – Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc chia sẻ nội dung tập huấn cho các học viên