Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên đã chuẩn bị đầy đủ số lượng dịch truyền, thuốc, vật tư y tế và các xét nghiệm cần thiết phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do vi rút Zika gây ra, ngành Y tế Thái Nguyên đã chủ động đưa ra nhiều biện pháp, xây dựng các phương án phòng, chống phó dịch bệnh này.

Ông Nguyễn Vy Hồng, Giám đốc Sở Y tế thông tin: Tình hình dịch bệnh do vi rút Zika gây bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh đang có những diễn biến phức tạp. Mới đây, tại Việt Nam đã ghi nhận 2 trường hợp đầu tiên nhiễm vi rút Zika tại T.P Hồ Chí Minh và tỉnh Khánh Hòa. Đối với Thái Nguyên, nhằm chủ động phòng, chống dịch do vi rút Zika gây ra, ngành Y tế đã triển khai đồng bộ các biện pháp giám sát chặt chẽ nhằm kiểm soát tốt, không để dịch bệnh nguy hiểm xâm nhập vào địa bàn.

 

Ngay khi có thông tin khuyến cáo về dịch bệnh này, Sở Y tế đã tổ chức tập huấn công tác phòng, chống dịch bệnh do vi rút Zika cho cán bộ y tế của các huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh, theo dõi sát sao tình hình dịch bệnh do vi rút Zika gây ra và bám sát các văn bản chỉ đạo của cấp trên để tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân qua các kênh thông tin, để người dân hiểu đúng về tình hình, không hoang mang hay chủ quan về bệnh dịch.

 

Do triệu chứng của người bị nhiễm vi rút Zika rất mơ hồ và dễ nhầm lẫn, nên Sở Y tế đã chỉ đạo các cơ sở y tế trong tỉnh tăng cường giám sát các trường hợp có biểu hiện nhiễm các vi rút gây viêm khớp và phát ban khác như: sốt xuất huyết Dengue, Chikungunya, Rubella, sởi…; nhiễm vi khuẩn và kí sinh trùng như Leptoprirosis, Rickettsia, nhiễm liên cầu nhóm A, sốt rét… Các cơ sở y tế trong tỉnh cũng đã được hướng dẫn kỹ thuật về giám sát, lấy mẫu bệnh khuẩn, dự phòng xử lý ổ dịch. Các đơn vị này đã chuẩn bị kinh phí, vật tư, hóa chất, phương tiện để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống khi có dịch xảy ra.

 

Nói về công tác chuẩn bị phòng, chống vi rút Zika tại đơn vị, bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Huy Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên, bệnh viện tuyến đầu trên địa bàn tỉnh cho biết: Ngay từ đầu năm 2016, Bệnh viện đã xây dựng kế hoạch phòng chống vi rút Zika. Trong đó, phân công các khoa: Bệnh Nhiệt đới, Nhi sơ sinh, Nhi tổng hợp, Khám bệnh, Cấp cứu,  Khám bệnh theo yêu cầu chủ động cập nhật thông tin về bệnh dịch cũng như phác đồ điều trị để triển khai kịp thời tại Bệnh viện. Đơn vị cũng đã chuẩn bị đầy đủ số lượng dịch truyền, thuốc, vật tư y tế (bơm tiêm, dây truyền…) và các xét nghiệm cần thiết phục vụ phòng, chống dịch.

 

Còn đối với huyện Đại Từ, một địa phương có dân số đông, mức độ di biến dân cư khá lớn do có Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo đóng trên địa bàn, Trung tâm y tế huyện đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, huy động tối đa các nguồn lực để triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch. Thạc sĩ Vũ Hoài Nam, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đại Từ cho biết: Thời gian qua, Trung tâm đã tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, cán bộ Trung tâm đã phun hóa chất tại một số điểm thường xuyên tập trung đông dân cư như: chợ, trường học, bệnh viện… cử cán bộ các Trạm Y tế tăng cường giám sát tại địa bàn dân cư; chuẩn bị đầy đủ thuốc, hóa chất, vật tư, nhân lực và các điều kiện cần thiết để sẵn sàng xử lý ổ dịch, tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân.

 

Theo nhận định của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, Thái Nguyên là địa phương có mức độ di biến con người tương đối lớn do có khá đông doanh nghiệp nước ngoài hoạt động. Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh, tình hình dịch bệnh do muỗi truyền như sốt rét, sốt xuất huyết luôn ở trong tình trạng báo động… Vì vậy, nguy cơ dịch bệnh do vi rút Zika gây nên cũng hoàn toàn có thể xảy ra nếu không có biện pháp phòng, chống tốt.

 

Bệnh do vi rút Zika nguy hiểm đến tính mạng con người nhưng chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc - xin phòng bệnh. Mặc dù rất nguy hiểm nhưng dịch bệnh do vi rút Zika đã và đang được tỉnh, ngành Y tế và các địa phương chủ động xây dựng phương án, thực hiện các biện pháp phòng, chống. Theo khuyến cáo của ngành Y tế, người dân không nên hoang mang, lo sợ cũng như lan truyền các tin đồn thất thiệt về tình hình dịch bệnh. Để ứng phó với dịch bệnh, người dân cần tăng cường các biện pháp diệt muỗi bằng cách phun hóa chất, rửa thường xuyên các dụng cụ chứa nước có loăng quăng, bọ gậy, loại bỏ vật liệu phế thải không cho muỗi tồn tại và phải ngủ màn để ngăn ngừa bị muỗi đốt. Phụ nữ có thai hoặc dự định có thai trong vòng 6 tháng tới không nên đến những địa bàn đang lưu hành dịch bệnh do vi rút Zika. Người trở về từ những vùng có lưu hành vi rút Zika nên chủ động tự theo dõi sức khỏe, nếu có biểu hiện sốt, phát ban và một số triệu chứng khác như đau cơ, nhức đầu, đau mắt thì đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị.